TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ - KHAI MỞ TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TƯ DUY - RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH - Hotline: 090 264 1618

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Trường Sơn - Thảo Nguyên mang lại động lực cho nhau

Từ nhiều năm nay, cặp vợ chồng Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Phạm Lê Thảo Nguyên đã mang về nhiều thành tích đáng kể cho cờ vua Việt Nam và đơn vị Cần Thơ. Chính việc nên duyên với nhau đã giúp cả hai thêm động lực, đạt nhiều danh hiệu trong thi đấu cờ vua.

Những người có mặt ở Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh-địa điểm thi đấu môn cờ vua ở Đại hội thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31) hẳn không quên những cử chỉ của vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn-Phạm Lê Thảo Nguyên trong ngày thi đấu chung kết cá nhân cờ nhanh.

Hôm ấy, Trường Sơn thi đấu chung kết với kỳ thủ Tin Jingyao (Singapore) trong khi ngay gần đó, người vợ Thảo Nguyên cũng thi chung kết cờ nhanh với kỳ thủ Singapore khác là Gong Qianyun. Thỉnh thoảng, sau mỗi nước cờ người ta lại thấy Thảo Nguyên ngó sang bàn cờ của chồng, trong khi Trường Sơn cũng có hành động tương tự. Sự quan tâm đến nhau ấy cũng là động lực để cả hai thi đấu thành công, cùng giành ngôi vô địch ở nội dung thi đấu này.

Vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Phạm Lê Thảo Nguyên. Ảnh: HUYỀN CHI

Vợ chồng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn - Phạm Lê Thảo Nguyên. Ảnh: HUYỀN CHI

SEA Games 31 cũng là kỳ SEA Games thứ hai mà cả Trường Sơn-Thảo Nguyên thi đấu dưới màu áo đội tuyển quốc gia sau khi nên duyên vợ chồng từ năm 2015. Đó là cặp vợ chồng độc nhất vô nhị trong làng cờ vua Việt Nam khi chồng là Đại kiện tướng quốc tế nam, cũng là kỳ thủ Việt Nam trẻ nhất được phong danh hiệu này (năm 14 tuổi), trong khi vợ là Đại kiện tướng quốc tế nữ đồng thời đạt tới đẳng cấp Kiện tướng quốc tế nam.

Thực tế, đó không phải là yếu tố đáng đề cập nhất ở câu chuyện tình của Nguyễn Ngọc Trường Sơn-Phạm Lê Thảo Nguyên. Ở đây, chính môi trường của làng cờ vua Việt Nam đã đưa họ đến với nhau mà ở đó tuổi tác không phải là vấn đề (Thảo Nguyên sinh năm 1987, lớn hơn Trường Sơn 3 tuổi). Quan trọng là họ chia sẻ được với nhau cả trong lĩnh vực cờ vua cũng như cuộc sống thường ngày. Và ngay cả người ngoài cuộc cũng nhận thấy, tình yêu và cuộc hôn nhân đã giúp cả hai thăng tiến mạnh mẽ trong bước đường sự nghiệp.

Đặc biệt, có giai đoạn trước năm 2015, Trường Sơn từng chững lại trong sự nghiệp khiến không ít người tiếc nuối và cũng không biết làm cách nào để anh tiếp tục thăng tiến. Nhưng khi được tiếp thêm động lực từ tình yêu với người đồng đội Thảo Nguyên ở đội tuyển quốc gia, Trường Sơn lại bước đi vững chắc trên con đường sự nghiệp.

Đến SEA Games 31, vợ chồng Trường Sơn-Thảo Nguyên lại đóng góp tới 3 huy chương vàng cho đội tuyển cờ vua Việt Nam. Trong khi đó, ở đấu trường trong nước, khi cùng thi đấu dưới màu áo Cần Thơ (quê của Thảo Nguyên), vợ chồng Trường Sơn-Thảo Nguyên cũng liên tiếp giành những thành tích đáng nể. Rõ nhất là vài tháng sau SEA Games 31, tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022, vợ chồng Trường Sơn -Thảo Nguyên cũng giành 3 huy chương vàng cho đoàn Cần Thơ.

Kỳ thủ Trường Sơn từng kể với tôi, tình yêu và sự thấu hiểu đã góp phần vào những thành công của hai vợ chồng, trong đó có những tấm huy chương vàng ở SEA Games 31. Trước những ván đấu, cả hai đã cùng bàn luận và động viên, khích lệ nhau. Với Trường Sơn, Thảo Nguyên cũng có một “quân xanh” chất lượng cao để nâng sức cờ, từ đó trở thành kỳ thủ nữ Việt Nam có hệ số elo quốc tế cao nhất hiện nay. Trong khi đó, Trường Sơn cũng có động lực về tinh thần để tiếp tục hướng đến những thành công khác.

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân

Trận cờ vua kinh điển giữa 2 thế giới của kỳ thủ lập dị Bobby Fischer

Không là trò chơi may rủi, cờ vua là sự kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và thể thao, dựa thuần túy vào chiến thuật và chiến lược. Những người chơi hay nhất cũng không thể tính hết mọi phương án, bởi chỉ có 64 ô và 32 quân cờ nhưng số lượng nước đi có thể vượt cả số lượng các nguyên tử có trong vũ trụ. Lối tư duy của cờ vua có thể áp dụng vào nhiều mặt của cuộc sống.


Fischer và Spassky trong một giải đấu hồi thập niên 1960, những cuộc đụng độ như vậy luôn được coi là sự cạnh tranh giữa hai hệ thống.

Năm 1972, môn thể thao này trở thành một trò chơi chính trị đỉnh cao, và thu hút sự chú ý của thế giới vào thời điểm cao trào của Chiến tranh lạnh. Đó là khi Robert James Fischer của Hoa Kỳ đến Iceland để đối đầu Boris Spassky của Liên Xô. Trong bối cảnh về sự căng thẳng đang leo thang trong mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, trận đấu này được xem là một cuộc đối đầu về trí tuệ giữa hai siêu cường. Đối với nước Mỹ, chiến thắng này không chỉ giới hạn trong bàn cờ 64 ô. Đến nay Fischer là công dân Mỹ duy nhất từng vô địch cờ vua thế giới. Thế nhưng, sau vinh quang ấy, ông đã trở thành người xa lạ trên chính quê hương mình.

Bobby Fischer - Kỳ thủ lập dị

Cựu vô địch cờ vua người Mỹ Bobby Fischer đã qua đời từ lâu, và kỷ niệm được nhắc đến nhiều nhất về ông là trận đấu với Boris Spassky (Liên Xô) năm 1972 ở Reykjavik, thủ đô Iceland. Trong ngôn ngữ thiên về cường điệu của báo chí, trận đấu ấy được Mỹ coi là sự tiếp nối của Chiến tranh Lạnh với phương tiện khác!

Vĩ nhân, quái dị, ngông cuồng... là tất cả những gì tồn tại bên trong con người kỳ thủ người Mỹ, biến cuộc đời ông thành một bức tranh muôn màu. Sinh ngày 9/3/1943 tại Chicago, Fischer thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý người Đức Hans Gerhardt Fischer. Tính cách kiêu ngạo, bốc đồng, ngang bướng và thích đòi hỏi của Fischer được thể hiện rõ ràng trong các trận đấu sau này của ông. Còn từ khi rất nhỏ, ông đã sống với nhịp điệu riêng của mình, đối nghịch với sự phát triển thông thường của những đứa trẻ khác.


Cả cuộc đời Fischer bị chi phối bởi bàn cờ.

Tháng 10/1956 là một trong những bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp lừng lẫy của kỳ thủ vĩ đại Bobby Fischer, khi bà Regina đưa con trai đến CLB cờ Marshall. Fischer được mời đến thi đấu giải tưởng niệm nhà tài trợ của giải Rosenwald nhờ thành tích vô địch giải trẻ Mỹ cách đó 3 tháng. Đây là giải mời đầu tiên mà ông tham gia, gồm 11 kỳ thủ bao gồm một số nhân vật xuất sắc của Mỹ cùng với các thành viên của câu lạc bộ Marshall. Đối thủ của Fischer hôm đó là giáo sư đại học Donald Byrne, một kiện tướng quốc tế, cựu vô địch giải Mỹ Mở rộng. Một tay cờ có lối đánh tấn công dữ dội. Và khi dành chiến thắng, ván cờ ở tuổi 13 của Fischer khi đó được mệnh danh là ván cờ của thế kỷ.

Năm 15 tuổi, Fischer trở thành Đại kiện tướng trẻ nhất và là ứng viên trẻ nhất cho giải vô địch cờ vua thế giới. Ông đoạt giải vô địch Mỹ 1963-1964 với tỷ số tuyệt đối 11-0. Thời bấy giờ, Fischer thường gieo rắc nỗi kinh hoàng cho các kỳ thủ, đến nỗi không ai dám thách đấu mà phần lớn ông chọn đối thủ để khiêu chiến. Đánh với ông xong, các kỳ thủ dễ bị chấn thương tâm lý vì tỉ số quá cách biệt thường là 6-0 hoặc 8-0 và cả một lối đánh dày công tập luyện bị phá sản.

Trận đấu kinh điển với Boris Spassky

Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự và cạnh tranh kinh tế giữa Liên Xô và các quốc gia vệ tinh với các cường quốc phương Tây, bao gồm Mỹ, vẫn tồn tại. Dù các nước không chính thức xung đột, họ thể hiện sự cạnh tranh thông qua các liên minh quân sự, chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, tuyên truyền, chạy đua không gian và cả thể thao.

Trận đấu giữa Bobby Fischer và Boris Spassky không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Đích thân Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger phải thuyết phục Fischer thi đấu. Fischer chỉ đồng ý sau khi được đáp ứng yêu cầu về tiền thưởng. Kissinger khi đó phải thông qua người bạn - phóng viên nổi tiếng người Anh David Frost - nhờ triệu phú Anh James Slater giúp đỡ. Sau cuộc điện thoại của Slater, ban tổ chức đã nâng tiền thưởng lên gấp đôi, nhà vô địch được 231.000 đôla (gấp 165 lần con số mà Spassky nhận được khi vô địch giải lần trước) và người thua được 168.000 đôla.

Khi đến Reykjavik Iceland, Fischer còn làm khó ban tổ chức bằng cách đưa ra những yêu cầu khắt khe như đòi đổi địa điểm thi đấu từ Iceland sang Nam Tư, điều kiện về bàn, ghế, bàn cờ, ánh sáng và khoảng cách chỗ ngồi với sân khấu...

Ván thứ nhất Fischer có vẻ thờ ơ và Spassky thắng. Ngày hôm sau Fischer bị xử thua khi vi phạm nội quy. 2–0 cho Spassky. Mọi người nghĩ kỳ thủ người Mỹ sẽ rời Iceland trong nỗi tủi nhục. Kissinger sau đó phải gọi điện, thúc giục Fischer. Và rồi, ngày thứ ba, ông trở lại để dội “trận mưa bom” trên “pháo đài Liên Xô”. Từ hôm đó, Spassky chỉ thắng được thêm đúng một ván. Còn lại, trong 19 ván, Fischer thắng 7, thua một và hòa 11 ván, giành chiến thắng với điểm số 12,5 so với 8,5 và trở thành vua cờ mới của thế giới.

Trận cờ vua kinh điển giữa 2 thế giới của kỳ thủ lập dị Bobby FischerFischer trên bìa tạp chí Chess review (đang suy nghĩ trước khi tung ra đòn thí Hậu kinh điển). Bên phải là biên bản ván đấu thế kỷ do chính Fischer ghi chép.

Khi nhận giải, Fischer bóc tiền thưởng trong phong bì ra đếm trước mặt nhiều người, hành động lập dị này khiến dư luận Mỹ bất bình. Nhưng chiến thắng này được xem như chiến thắng của Mỹ ngay ở lĩnh vực mà lâu nay Liên Xô được xem là “bất khả chiến bại”, nên ông vẫn được đón tiếp như người hùng khi về nước.

Nguyên nhân Fischer đưa ra yêu cầu tiền thưởng cao có lẽ do ông chỉ nhận được 400 đôla cho 6 tuần làm việc cật lực tại giải Interzonal năm 1958. Ông nói “mỗi ván giống như một bài thi dài 5 tiếng”, và điều đó làm cho ông chán nản. Lúc đó ông đã là một đại kiện tướng quốc tế, và đủ tư cách tham dự Giải vô địch thế giới. Nhưng ông tự hỏi làm thế nào để có thể kiếm sống bằng nghề chơi cờ. Ngoại trừ Liên Xô – nơi các kỳ thủ được nhà nước hỗ trợ rất đầy đủ, thì không có kỳ thủ nào có thể kiếm đủ sống nhờ chiến thắng tại các giải đấu. Họ phải làm thêm các công việc khác như dạy cờ, thi đấu biểu diễn, bán các bộ cờ, viết bài cho các tạp chí cờ để kiếm thêm thu nhập. Với Fischer, đó là một cuộc sống bấp bênh!

Kỷ lục hi hữu áp đảo cả về mặt truyền thông

Channel 13, kênh truyền hình nhà nước của Hoa Kỳ, từng đạt được số lượng khán giả kỷ lục trong lịch sử của mình - không phải vì truyền trận bóng chày nào đó, vốn là môn thể thao vua ở Mỹ, mà với loạt phóng sự buổi chiều tháng 7 năm 1972: người ta đếm được hơn một triệu khán giả phát sốt phát rét theo dõi vẻn vẹn hai nhân vật, hai người này thậm chí ngồi gần như bất động - họ chơi cờ vua!

Không chỉ trước các màn ảnh nhỏ, mà theo các phóng viên túa ra khắp các quán bar của thành phố New York thì chỉ có 3 nhà hàng bật kênh truyền trận đấu bóng chày của New York Mets, trong khi khán giả 18 quán bar để nguội vại bia vì chăm chú theo dõi cờ vua.

Chưa hết: tháng này cũng là đỉnh điểm của cuộc vận động tranh cử của tổng thống đương nhiệm Richard Nixon và đối thủ cực gắt là George McGovern. Khi Channel 13 dừng truyền trận đấu để đưa báo cáo về đại hội Đảng Dân chủ, lập tức có hàng trăm cuộc điện thoại của các khán giả phẫn nộ gọi đến, thậm chí có người doạ vác súng đến “xử lý” nhà đài nếu không quay lại trận cờ vua giữa Fischer và Spassky ngay lập tức.

Chậm hơn và ít “máu me” hơn người Mỹ, nhưng đài BBC cũng nhanh chóng thiết lập một chương trình cờ vua hàng tuần, được hàng triệu người theo dõi.

Tại Geneva, trong mọi giờ giải lao ở một hội nghị về cứu trợ thiên tai, các nhà ngoại giao không có chủ đề nào khác ngoài các nước cờ vừa diễn ra trông mấy phút cuối. Cờ vua cũng xuất hiện trên trang nhất của mấy tờ báo ít tên tuổi như nhật trình Bangladesh Observer hoặc tờ Al-Ahram của Ai Cập. Ở đất Argentina, nó thống trị trang nhất của tờ báo Clarín ở Buenos Aires hai tháng liền và chỉ chịu lu mờ bởi một vụ thảm sát tù nhân chính trị.

Tại sao sinh ra cơn sốt cờ vua toàn cầu này? Trong khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang đi vào phần kết kịch tính và thường là nội dung nóng nhất của truyền thông! Chỉ sáu tháng trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trong báo cáo thường niên đã gọi năm 1971 là “năm bản lề” - giống như năm 1947 sau Thế chiến 2 đánh dấu giai đoạn mới của thế giới. Và đúng thế, chỉ một năm sau IISS tuyên bố Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhà sử học Samuel Huntington nói một cách văn vẻ: “Bầu trời đông nghịt phi cơ chở các nhà ngoại giao bay đến những cuộc đàm phán, và bầu không khí tươi lành của giải trừ vũ khí đem lại nhiều hứa hẹn”.

Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đang triển khai hoạt động ngoại giao con thoi không ngừng nghỉ của mình. Nixon thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước mang tính bước ngoặt tới Bắc Kinh, và vào tháng 5 cùng năm, ông được Leonid Brezhnev tiếp. Nhưng tờ báo Anh The Guardian lại mô tả cuộc đàm đạo thượng đỉnh này với dòng chữ đậm: “Đưa được Nixon và Brezhnev lại với nhau chỉ là trò trẻ con so với cuộc đấu cờ vua đỉnh cao giữa Fischer và Spassky”.

Cái giọng hồ hởi cường điệu của nhà bình luận người Anh không có vẻ bất hợp lý. Bởi vì cơn sốt cờ vua lan rộng trên toàn thế giới đến từ một giải đấu duy nhất được tổ chức tại Reykjavík trong hai tháng mùa Hè năm 1972. Các ván đấu giữa đại kiện tướng Boris Spasski và đối thủ Bobby Fischer đã viết nên lịch sử cờ vua - và vẫn còn hấp dẫn cho đến tận ngày nay.

Ở một bên của bàn cờ là người Mỹ Fischer, bên đối diện là đương kim vô địch thế giới Spassky người Liên Xô. Đột nhiên quốc tịch của hai phe khiến cờ vua trở thành một vũ khí, một phép quy chiếu xem hệ thống nào vượt trội hơn hệ thống kia.

Kể từ khi Thế chiến kết thúc, nhà vô địch cờ vua thế giới luôn là một công dân Liên Xô. Theo đại kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, “công tác tuyên truyền dựa trên ba trụ cột chính: cờ vua, xiếc và ballet. Trong cả ba lĩnh vực, Liên Xô đã cho thấy họ vượt xa phương Tây”.

Theo ý đó, Fisher và Spassky là chiến binh trong Chiến tranh Lạnh (thực tế đã không còn tồn tại). Và ở Reykjavik (thủ đô Iceland), phương Tây đã chiến thắng.

Fischer, một kẻ lập dị trong làng cờ vua, qua cách hành xử kỳ quái của mình đã gây ra một cuộc chiến cân não. Giải cờ này về sau được thuật lại chi tiết trong sách của bộ đôi tác giả David Edmonds và John Eidinow với những tính từ ít ngọt ngào khi miêu tả Fischer: tâm lý phức tạp, loạn thần kinh, hưng cảm bệnh hoạn.

Newsweek mô tả Fischer là “sự pha trộn hỗn loạn giữa kiêu ngạo, non nớt, hoang tưởng và nhạy cảm quá độ”. Bản thân người Mỹ cũng chẳng ưa “đại diện” của mình. Một độc giả Mỹ viết đến tờ Washington Post: Fischer là “người Mỹ duy nhất có thể làm cho mọi người Mỹ đứng về phía người Nga”.

Trở thành người xa lạ trên chính quê hương của mình

Năm 1975, kiện tướng Liên Xô Anatoli Karpov vượt qua một loạt đối thủ để giành quyền thách thức danh hiệu vua cờ của Fischer. Tuy nhiên, Fischer từ chối đấu với Karpov vì ban tổ chức không đồng ý với một loạt yêu sách của ông. Tháng 6/1975, Liên đoàn Cờ vua Thế giới tuyên bố Anatoli Karpov là vua cờ mới.

Kể từ khi từ chối thi đấu với Anatoli Karpov, Fischer hầu như không thi đấu trên các vũ đài quốc tế và sống khá lặng lẽ. Mỗi khi xuất hiện trước công chúng, ông lại đưa ra những lời bình luận khá gay gắt, những cử chỉ giận dữ, thậm chí công kích ngành thể thao Mỹ nên đã bị cấm thi đấu.

Năm 1992, kỷ niệm 20 năm đăng quang ngôi vô địch thế giới, ông quyết định đến Sveti Stefan (Nam Tư) tái đấu không chính thức với Spassky, dù điều này vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Tất nhiên một phần còn vì khoản tiền khổng lồ: 3,3 triệu đôla. Fischer một lần nữa khiến Spassky ôm hận. Tuy nhiên, kể từ đó ông bắt đầu chìm vào những ngày tháng đen tối. Ở Mỹ, người ta đã phát lệnh truy nã nhà cựu vô địch vì vi phạm lệnh cấm đến Nam Tư. Từ một người hùng, Fischer trở thành đối tượng truy bắt của cảnh sát.


Tuy nhiên, đối với Fischer, sự kiện trên còn do nguồn gốc Do Thái của gia đình mang lại – bởi ông luôn tự nhận là nạn nhân của một âm mưu chống Do Thái. Sự chống đối nước Mỹ của Fischer lên tới đỉnh điểm sau vụ khủng bố 11/9/2001 bởi khi đó ông tuyên bố - muốn nhìn thấy nước Mỹ bị xóa sổ. Sau tuyên bố kể trên, Fischer tiếp tục sống lẩn trốn.

Chẳng ai biết nhà cựu vô địch cờ vua ở đâu cho đến tháng 7/2004 khi ông bị hải quan Nhật Bản bắt giữ tại phi trường Narita vì sử dụng hộ chiếu giả trong khi làm thủ tục để bay sang Philippines. Ông bị quản thúc tại trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép ở ngoại ô Tokyo khoảng 8 tháng. Sau những phản đối từ nhiều phía, nhất là từ Hội cờ vua Nhật Bản, cuối tháng 12/2004 Bộ trưởng tư pháp Nhật Bản đã ra lệnh trục xuất ông cùng cô vợ người Nhật Bản Miyoko Watai (nhà vô địch cờ vua của Nhật Bản).

Trong khi bị Mỹ truy nã, Nhật Bản trục xuất thì Fischer đã được chính phủ Iceland dang tay đón nhận. Chẳng những cấp hộ chiếu cho Fischer, người Iceland còn đưa máy bay tới tận Copenhagen để đón nhà cựu vô địch. Ngày 24/3/2005, khi ông bước ra cổng phi trường Reykjavik, hàng trăm CĐV với những tấm băng rôn “Chào mừng Bobby”, “Chúng tôi yêu Bobby”... đã chờ sẵn ở đó. Người ta vây lấy Fischer, quàng lên cổ nhà cựu vô địch những vòng hoa rực rỡ. Fischer được đón tiếp tưng bừng như một vị anh hùng dân tộc trở về sau một chiến công hiển hách nào đó.

Đối với Iceland, việc họ chấp nhận Fischer là hành động mang tính nhân văn, chia sẻ những khó khăn mà nhà vô địch đang gặp. Fischer có một vị trí hết sức quan trọng trong nền văn hóa của đất nước này. Dang tay đón nhận Fischer cũng đồng nghĩa với việc cám ơn nhà vô địch vì những điều tuyệt vời đã làm được và tiếng vang của trận đấu năm 1972 đã khiến đảo quốc Iceland được chú ý nhiều hơn.

Sau khi mắc bệnh thận, Fischer không chịu điều trị ở bệnh viện vì không tin tưởng bác sĩ. 17/1/2008, ông trút hơi thở cuối cùng tại Iceland ở tuổi 64, để lại những câu chuyện gây hao tốn nhiều giấy mực cho giới truyền thông.

Thái độ hợm hĩnh cùng sự lập dị khiến Bobby Fischer mất gần hết bạn bè và điều này giải thích vì sao chỉ có vài người tiễn đưa ông tới nơi an nghỉ cuối cùng. Chính Kirsan Ilyumzhinov đã chỉ đạo FIDE đứng ra giúp tang lễ cho ông.

Fischer ra đi và để lại muôn vàn di sản cho môn thể thao biểu trưng cho trí tuệ của nhân loại, làm nền tảng cho sự phát triển của Magnus Carlsen, Sergey Karjakin, Lê Quang Liêm ngày nay... Một trong những vũ khí lợi hại nhất giúp đưa tên tuổi Fischer trở thành kỳ thủ cờ vua xuất chúng thế giới chính là những thế cờ khai cuộc rất lợi hại. Fischer cũng được xem là người đã đóng góp rất nhiều cho lý thuyết khai cuộc môn cờ vua đang được sử dụng hiện nay. Trong thập niên 1990, Fischer được cấp bằng sáng chế về một sửa đổi trong hệ thống định giờ, theo đó sau mỗi nước đi mỗi kỳ thủ sẽ được thêm một khoảng thời gian. Đây là một yếu tố tiêu chuẩn trong thực tiễn các trận đấu và giải đấu hàng đầu hiện nay.

Đoạn kết vở bi hài kịch này dở đến nỗi chẳng ai buồn theo dõi nữa, chỉ biết Fischer qua đời ở Reykjavik, khi vẫn bị Mỹ truy lùng vì tội trốn thuế. Tờ Guardian (Anh) từng mô tả: “Trước lúc ra đi, Fischer tin rằng những tinh túy cờ vua cũng sẽ chết theo ông”. Còn kiện tướng cờ vua Mark Taimanov, người từng thua Fischer năm 1971, cho rằng: “Ông ấy bị bàn cờ chi phối suốt cuộc đời, và qua đời sau khi đi hết 64 ô”.

Nguồn: Tổng Hợp

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

Bạch Ngọc Thùy Dương: Tài năng sáng của cờ vua Hồ Chí Minh

Với hàng loạt thành tích thi đấu ấn tượng trong và ngoài nước khi còn rất trẻ, kỳ thủ Bạch Ngọc Thùy Dương hiện là một trong những tài năng sáng giá của cờ vua TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thùy Dương sinh năm 2003 trong một gia đình không ai theo nghiệp thể thao. Năm lớp 2, lần đầu tiên Thùy Dương được tiếp xúc với cờ vua qua anh trai và tỏ ra thích thú với môn thể thao trí tuệ này. Và rồi những quân cờ đen, trắng theo cô tới tận bây giờ. Trong lần ra quân đầu tiên ở giải trẻ toàn quốc, Thùy Dương đã đoạt Huy chương Vàng nhóm U.9.

Những năm sau, Thùy Dương tiếp tục vô địch các nhóm U.11, U.15 trẻ quốc gia. Đặc biệt, năm 2014, với chiếc Huy chương Vàng U.12 tại giải vô địch cờ vua các nhóm tuổi Đông Nam Á mở rộng ở Ma Cao, Thùy Dương được Liên đoàn Cờ vua thế giới phong danh hiệu Kiện tướng FIDE, lúc đó em mới 11 tuổi.

Bạch Ngọc Thùy Dương đang hướng tới danh hiệu Nữ đại kiện tướng quốc tế.

Bạch Ngọc Thùy Dương đang hướng tới danh hiệu Nữ đại kiện tướng quốc tế.

Năm 2016, Thùy Dương bắt đầu theo học huấn luyện viên Đào Thiên Hải. Theo Thùy Dương, đây là điều may mắn khi được học với người thầy từng là một kỳ thủ nổi tiếng. Được huấn luyện viên Đào Thiên Hải hướng dẫn, Thùy Dương không chỉ học về các chiến thuật mà em còn được học những kinh nghiệm thi đấu với nhiều đối thủ, hoàn thiện thêm những kỹ năng.

Theo huấn luyện viên Đào Thiên Hải, Thùy Dương tuy học sau nhiều bạn cùng lứa tuổi nhưng với năng khiếu tốt, em đã vượt qua các bạn và hiện nay có thể đấu ngang ngửa với các đàn chị trong làng cờ vua Việt Nam và là một trong những tài năng trẻ rất có tiềm năng.

Tại Giải cờ vua U.20 châu Á diễn ra cuối năm 2022, Thùy Dương giành chuẩn Đại kiện tướng nữ (WGM) đầu tiên, khi giành Huy chương Vàng. Tại giải đấu trên, sau 9 ván, Thùy Dương giành 7,5 điểm để độc chiếm vị trí đầu bảng nữ. Cô thắng bảy, hòa một và chỉ thua một ván tại giải, đạt hiệu suất thi đấu 2.307, và kiếm thêm 37 Elo để vượt mốc Elo 2.200. Để trở thành WGM, cô cần giành thêm hai chuẩn nữa, đồng thời nâng Elo lên mốc 2.300.

Từ vài năm trở lại đây, kỳ thủ Thùy Dương, hiện khoác áo tuyển cờ vua TP Hồ Chí Minh, đã trở thành thành viên của đội tuyển cờ vua nữ Việt Nam, sát cánh bên cạnh các ngôi sao đàn chị như Hoàng Thị Bảo Trâm, Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng... Với tài năng và tình yêu môn cờ vua, Thùy Dương được các chuyên gia đánh giá sẽ giành được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.

Hiện Thùy Dương theo học ngành marketing Trường Đại học Văn Lang, theo diện tuyển thẳng với học bổng 100% học phí toàn khóa. Con đường tương lai còn dài. Trước mắt, Thùy Dương đang hướng đến danh hiệu Nữ đại kiện tướng quốc tế.

Theo www.qdnd.vn

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Tuấn Minh, Kim Phụng là nhà vô địch cờ tiêu chuẩn Việt Nam

Hai đại kiện tướng Trần Tuấn Minh và Võ Thị Kim Phụng đã lên ngôi vô địch cờ tiêu chuẩn tại giải vô địch cờ vua quốc gia 2023.

Võ Thị Kim Phụng đã có tấm HCV cờ tiêu chuẩn nữ. Ảnh: QUỐC AN
Võ Thị Kim Phụng đã có tấm HCV cờ tiêu chuẩn nữ. Ảnh: QUỐC AN

Hơn 200 kỳ thủ của 17 đơn vị trong cả nước đã có mặt tại Bà Rịa-Vũng Tàu để tranh tài giải cờ vua vô địch quốc gia 2023 với đầy đủ các nội dung dành cho nam, nữ ở cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn và cờ ouk chatrang, cờ asean.

Nội dung cờ tiêu chuẩn được chú ý nhất của giải đấu. Về nam, đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm (TPHCM) không về nước tham dự vì thế các kỳ thủ của Hà Nội là những người chiếm ưu thế để có kết quả tốt nhất. Sau 9 ván đấu, Trần Tuấn Minh giành tổng 8 điểm, xếp nhất nhận HCV. Ở nội dung này, Nguyễn Đức Hòa (Quân đội) xếp nhì, nhận HCB khi có 6,5 điểm trong khi hạng ba thuộc về Nguyễn Đức Huy (Hà Nội; 6,5 điểm).

Với nữ tiêu chuẩn, Võ Thị Kim Phụng đã tham gia đội cờ vua chủ nhà Bà Rịa-Vũng Tàu và có giải thi đấu hiệu quả để vượt các đại kiện tướng Võ Thị Thanh An (TPHCM) hay Hoàng Thị Bảo Trâm (TPHCM) để xếp nhất, giành ngôi vô địch. Qua 9 ván đấu, Kim Phụng đạt 7,5 điểm giành HCV trong khi Thanh An và Bảo Trâm có 6,5 điểm lần lượt xếp nhì và ba tiếp theo. Ở bảng nữ, Bạch Ngọc Thùy Dương (TPHCM) chỉ đứng hạng 5 với 6,5 điểm trong khi đại kiện tướng Nguyễn Thị Mai Hưng (Hà Nội) đứng hạng 14 với 5,5 điểm.

Về cờ chớp, bất ngờ là việc Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Cần Thơ) không giành được huy chương khi xếp hạng 4 với 6,5 điểm qua 9 ván thi đấu. Vô địch nội dung là Lê Tuấn Minh (Hà Nội; 8 điểm). Bất ngờ tiếp theo cũng ở cờ chớp của bảng nữ khi Phạm Lê Thảo Nguyên (Cần Thơ) – vợ của Trường Sơn – không phải là nhà vô địch mà chỉ có hạng nhì, nhận HCB qua 9 ván đấu với 7,5 điểm. Vô địch cờ chớp nữ là kỳ thủ Nguyễn Hồng Anh (TPHCM; 8 điểm). Trong nội dung cờ siêu chớp, Trần Tuấn Minh tiếp tục là nhà vô địch khi giành 8 điểm tại bảng nam còn Nguyễn Ngọc Trường Sơn đứng hạng nhì chung cuộc (7 điểm). Với siêu chớp nữ, Nguyễn Hồng Anh đã có tấm HCV khi đạt tổng 7,5 điểm. Xếp sau cô lần lượt là Vũ Bùi Thị Thanh Vân (Ninh Bình) và Hoàng Thị Bảo Trâm.

Ở giải năm nay, sau khi thi đấu cờ Ouk Chaktrang, nhà vô địch nam là kỳ thủ Võ Thành Ninh (Kiên Giang) còn vô địch nữ là Tôn Nữ Hồng Ân (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Các kỳ thủ còn tranh tài nội dung cờ nhanh và cờ asean ở giải. Dự kiến ngày 12-3 giải sẽ bế mạc.

Theo thethao.sggp.org.vn/

Đánh cờ - môn thể thao trí tuệ

Giản dị, dễ chơi, không phân biệt tuổi tác hay giàu nghèo và chẳng tốn kém. Đánh cờ (cờ tướng, cờ vua…) là môn thể thao trí tuệ có thể chơi mọi nơi vào những lúc rảnh rỗi để giải trí, rèn luyện khả năng tập trung, tư duy logic, cải thiện trí nhớ… được nhiều người yêu thích.

                     Giải cờ vua được tổ chức tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế

Là môn thể thao không yêu cầu cao về sân chơi, dụng cụ, trang thiết bị cũng như số lượng người chơi (chỉ cần 2 người chơi là đủ), đây là lý do giúp đánh cờ dần trở nên phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Anh Võ Thanh Tòng (huyện Phú Tân) chia sẻ: “Đánh cờ tiện lợi hơn các môn thể thao khác, bởi chỉ cần một không gian vừa đủ để đặt bàn cờ là có thể chơi được ngay. Nắm bắt được sở thích của mọi người, hiện nay, một số quán cà-phê thiết kế những cái bàn có hình bàn cờ, hoặc mua bàn cờ để phục vụ khách hàng khi có yêu cầu”.

Trước đây, người chơi đánh cờ thường tự trang bị cho mình 1 bàn cờ bằng gỗ. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người, bàn cờ có thể đóng bằng gỗ tốt hoặc bình thường. Tuy nhiên, loại bàn cờ này thường có kích thước lớn và trọng lượng nặng, rất khó di chuyển. Để bắt kịp nhu cầu xã hội khi ngày càng có nhiều người chơi môn thể thao đánh cờ, trên thị trường đã bán nhiều loại bàn cờ bằng giấy, nhựa… nhỏ gọn, nhẹ nhàng và tiện lợi.

Hơn thế nữa, hiện nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chỉ với chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, người yêu thích đánh cờ có thể luyện tập ở bất cứ đâu, đối thủ có thể là máy tính hoặc những người chơi có kết nối Internet. Hình thức đánh cờ này được nhiều người lựa chọn vì tiện lợi, chơi được mọi lúc, mọi nơi, có cơ hội được giao lưu, học hỏi, cọ xát với những cờ thủ ở khắp nơi. Vì vậy hiện nay, số lượng người biết và đánh cờ ngày càng phát triển.

Thi đấu cờ tướng nhân dịp lễ hội ở huyện Châu Phú

Cả cờ tướng và cờ vua đều được công nhận là môn thể thao được quy định trong luật, khi thi đấu có phân định kết quả rõ ràng. Tuy giữa cờ tướng và cờ vua có nhiều điểm khác nhau, như: Cách nhận mặt quân cờ, bàn cờ, nước đi của các quân cờ và luật chơi, nhưng cả 2 có điểm chung rất quan trọng, đó là trong quá trình thi đấu, 2 đấu thủ không chỉ đua tranh với nhau về thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, tâm lý thi đấu mà còn là sự đấu trí quyết liệt về năng lực tính toán, phán đoán những mưu tính tiếp theo của đối phương sau mỗi nước cờ. Nhờ đó, người đánh cờ có thể rèn luyện khả năng tập trung, kiên nhẫn, tư duy và trí nhớ.

Anh Trần Nhật Minh (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi thích đánh cờ tướng. Tôi thấy đánh cờ rất bổ ích, bởi khi đánh cờ tạo cho người ta thói quen tập trung cao độ và sự kiên nhẫn, khiêm nhường, bình tĩnh để suy nghĩ mọi vấn đề một cách sâu sắc hơn”.

Ông Lê Văn Thanh (68 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc), ngoài thường xuyên đi bộ rèn luyện sức khỏe, ông còn đánh cờ tướng để thỏa niềm đam mê, giúp cho tinh thần được thư giãn, thoải mái. "Đánh cờ tướng trở thành môn giải trí không thể thiếu của tôi. Nhờ đi bộ và đánh cờ tướng mỗi ngày, tôi cảm thấy sức khỏe tốt, đầu óc luôn minh mẫn” - ông Thanh chia sẻ.

Đối với nhiều bạn trẻ, đánh cờ giúp các em giải trí lành mạnh, nâng cao khả năng tư duy, ghi nhớ, rèn luyện tính bình tĩnh, nhẫn nại, quan sát và suy nghĩ kỹ lưỡng, đồng thời tránh xa các tệ nạn xã hội và trò chơi điện tử gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Em Nguyễn Phúc Thịnh (huyện Châu Phú) cho biết: “Em theo học và đánh cờ vua được 3 năm. Ngoài giờ học trên lớp, về nhà, em thường đánh cờ với ba. Từ ngày biết đánh cờ, em cảm thấy rất thích nên thời gian rảnh em thường rủ mọi người đánh cờ để giải trí và tìm ra những nước cờ mới. Từ đó, em không còn chơi điện tử hay lướt mạng xã hội như trước nữa”.

Còn em Nguyễn Thị Hoàng Yến (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Đánh cờ vua giúp em rèn luyện tính tập trung, kiên nhẫn hơn trong học tập và khả năng ghi nhớ tốt hơn”.

Không chỉ trong cuộc sống hàng ngày, đánh cờ còn là môn thể thao được các địa phương đưa vào dạy trong hệ thống trường học và tổ chức giao lưu, thi đấu trong: Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội thể dục - thể thao các cấp, các ngày lễ, Tết, sự kiện văn hóa - thể thao... Dù thắng hay thua, mọi người đều rất vui vẻ, tình đoàn kết, gắn bó giữa bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp thêm bền chặt. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục - thể thao nói chung, đánh cờ nói riêng của các địa phương và cả nước ngày càng phát triển.

Nguồn: Sưu tầm

Kim Phụng bảo vệ ngôi số 1 cờ vua

Võ Thị Kim Phụng, kỳ thủ gốc Huế, mang về cho đơn vị chủ quản mới Bà Rịa - Vũng Tàu ngôi vô địch cá nhân nữ quốc gia đầu tiên ở nội dung cờ tiêu chuẩn.

Hai năm liên tiếp giành ngôi vô địch quốc gia trong hai màu áo khác nhau, Võ Thị Kim Phụng đã thiết lập một kỷ lục khó phá của làng cờ vua mà có lẽ chỉ xuất hiện ở mùa giải có nhiều sự dịch chuyển về đơn vị chủ quản như năm nay. Cụ thể: Kim Phụng rời Bắc Giang sau 10 năm gắn bó để về Bà Rịa - Vũng Tàu; Nguyễn Thị Mai Hưng rời Bắc Giang đầu quân cho Hà Nội; Lê Kiều Thiên Kim chia tay TP HCM để khoác áo Bà Rịa - Vũng Tàu; Lương Phương Hạnh từ Bình Dương chuyển về Cần Thơ…

Võ Thị Kim Phụng đánh ván khai mạc Giải Vô địch quốc gia 2023 .(Ảnh: NGỌC PHAN)

Võ Thị Kim Phụng đánh ván khai mạc Giải Vô địch quốc gia 2023 .(Ảnh: NGỌC PHAN)

Lên ngôi vô địch bằng thành tích bất bại như mùa giải năm 2022, Võ Thị Kim Phụng nối dài 12 tháng đầy ắp thành công khi sở hữu 2 ngôi vô địch quốc gia, HCB cờ nhanh đồng đội nữ SEA Games 31, 2 HCV Đại hội Thể thao toàn quốc, HCĐ cờ chớp và hạng 4 cờ tiêu chuẩn châu Á, trở lại tốp 100 kỳ thủ hàng đầu trên bảng xếp hạng FIDE tháng 2-2023 ở vị trí 93.

Giải Vô địch cờ vua quốc gia 2023 đang đến giai đoạn quyết định với các nội dung cờ nhanh và cờ ASEAN nam, nữ. Hơn 200 kỳ thủ của 17 đơn vị đã tề tựu về Bà Rịa - Vũng Tàu để tranh tài ở các nội dung cờ nhanh, cờ chớp, cờ tiêu chuẩn, cờ ASEAN, cờ siêu chớp và cờ OukChaktrang (nội dung thi đấu mới tại SEA Games 32, khá giống với cờ vua và cờ tướng).

Nếu như các kỳ thủ nữ hàng đầu đều góp mặt tranh tài ở bảng cờ tiêu chuẩn thì ở bảng nam, nhiều kỳ thủ tên tuổi đã không tham gia như Lê Quang Liêm, Nguyễn Anh Khôi (TP HCM), Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Cần Thơ)… với những lý do cá nhân. Đó là lý do để dàn nam kỳ thủ Hà Nội chiếm ưu thế ở hầu hết các nội dung tranh tài. Trần Tuấn Minh giành 2 ngôi vô địch cờ tiêu chuẩn và cờ siêu chớp, còn Lê Tuấn Minh đoạt HCV nội dung cờ chớp.

Có vẻ như giải không phải là điểm rơi thành tích của nhiều kỳ thủ quen thuộc, nhất là ở bảng nữ. Tân vô địch U20 châu Á Bạch Ngọc Thùy Dương (TP HCM) chỉ xếp hạng 5 cờ tiêu chuẩn, trong khi đại kiện tướng Nguyễn Thị Mai Hưng (Hà Nội) chỉ xếp hạng 14 chung cuộc với 5,5 điểm sau 9 ván đấu. Nữ kỳ thủ hàng đầu Phạm Lê Thảo Nguyên (Cần Thơ) không bảo vệ được tấm HCV cờ chớp và chồng cô, kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn, chỉ giành HCB cờ siêu chớp và xếp thứ 4 nội dung cờ chớp.

Cờ vua Hà Nội thắng lớn, còn đoàn TP HCM suýt trắng tay nếu nữ kỳ thủ Nguyễn Hồng Anh không xuất sắc giành cú đúp HCV 2 nội dung cờ siêu chớp và cờ chớp. Đây là lời cảnh báo dành cho cờ vua TP HCM dù lực lượng kỳ thủ nữ được đánh giá cao, trong khi lực lượng nam đang sa sút dần khi thiếu những kỳ thủ chủ lực.

Theo Báo Người Lao Động

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

Nga được chấp nhận để gia nhập Liên đoàn cờ vua châu Á

29 đoàn tham dự Đại hội cờ vua châu Á đã bỏ phiếu ủng hộ Nga chuyển sang thi đấu ở Liên đoàn cờ vua châu Á, trong khi 1 đoàn bỏ phiếu chống và 6 đoàn bỏ phiếu trắng.

Chú thích ảnh


Liên đoàn cờ vua châu Á ngày 28/2 thông báo Nga đã được chấp nhận để gia nhập Liên đoàn cờ vua châu Á.

Thông báo được đưa ra sau khi Đại hội cờ vua châu Á ở Abu Dhabi trước đó cùng ngày đã bỏ phiếu thông qua quyết định trên.

Hiện nhiều liên đoàn thể thao khác của Nga, như bóng đá, cũng đang cân nhắc động thái tương tự.

Theo thông báo, 29 đoàn tham dự Đại hội đã bỏ phiếu ủng hộ Nga chuyển sang thi đấu ở Liên đoàn cờ vua châu Á, trong khi 1 đoàn bỏ phiếu chống và 6 đoàn bỏ phiếu trắng.

Thông báo dẫn lời người đứng đầu Liên đoàn cờ vua Nga Andrei Filatov đã hoan nghênh quyết định trên là một "quyết định lịch sử," khi lần đầu tiên một liên đoàn cờ vua, một trong những liên đoàn mạnh nhất thế giới, đã chuyển sang thi đấu ở một lục địa khác.

Hồi tháng 3/2022, Liên đoàn cờ vua quốc tế (FIDE) đã quyết định đình chỉ các đội tuyển Nga tham gia các giải đấu cờ vua.

Tuy nhiên, cá nhân các vận động viên Nga có thể tranh tài dưới cờ của FIDE./.

Việt Hải (TTXVN/Vietnam+)

200 kỳ thủ tham gia Giải vô địch Cờ Vua quốc gia năm 2023

Sáng 3/3, tại khu phức hợp The Grand Hồ Tràm Strip, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức khai mạc Giải vô địch Cờ Vua quốc gia năm 2023.

Đại kiện tướng Võ Thị Kim Phụng thi đấu ván đầu tiên với các kỳ thủ cùng nhóm vô địch nữ.

Đại kiện tướng Võ Thị Kim Phụng thi đấu ván đầu tiên với các kỳ thủ cùng nhóm vô địch nữ.

Đây là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia, giải đấu chuyên nghiệp hấp dẫn chính những người trong cuộc, với số lượng kỳ thủ tham dự đông đảo, trong đó có rất nhiều kỳ thủ có đẳng cấp quốc tế, là những hạt nhân top đầu của làng cờ. Giải năm nay có 200 kỳ thủ xuất sắc nhất của 18 đơn vị, tỉnh, thành, ngành tham dự. Ngoài sự vắng mặt đáng tiếc của Đại kiện tướng Lê Quang Liêm, giải đấu thu hút dự có mặt của các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam như Trường Sơn, Đào Thiên Hải, Võ Thị Kim Phụng...

Tại giải đấu, các kỳ thủ tranh tài ở những nội dung chính gồm: Vô địch nam, nữ ở 3 nội dung cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp nhoáng; vô địch cờ ASIAN và cờ Khmer (Ouk Chaktrang) nội dung tiêu chuẩn; vô địch nội dung cờ siêu chớp (thời gian thi đấu 1 phút tích lũy 2 giây). Các kỳ thủ nam, nữ xếp hạng Nhất, Nhì, Ba được nhận Huy chương Vàng, Bạc, Đồng của Tổng cục Thể dục thể thao; kỳ thủ xếp vị trí thứ tư được tính là đồng hạng Ba nhận Huy chương Đồng của Liên đoàn Cờ Việt Nam. Các kỳ thủ nam, nữ xếp hạng 1-6 được xét đặc cách tham dự Giải vô địch Cờ Vua toàn quốc 2024 nếu không tham dự giải đồng đội quốc gia năm 2023. Các kỳ thủ được xét phong cấp theo Tiêu chuẩn phong cấp Cờ Vua quốc gia.

Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng ban Tổ chức Giải cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh đăng cai Giải Cờ Vua vô địch quốc gia. Với kinh nghiệm từng tổ chức nhiều giải cấp câu lạc bộ, giải trẻ khác, Ban Tổ chức đã hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị. Khác với giải hàng năm, giải năm nay sẽ lồng ghép thêm nội dung thi đấu Cờ Asian và Cờ Khmer nhằm chuẩn bị lực lượng, đánh giá trình độ chuyên môn của các kỳ thủ chuẩn bị cho các giải quốc tế, gần nhất là SEA Games 32 và ASIAD.

Việc tham gia và tổ chức Giải vô địch cờ vua quốc gia 2023 là cơ hội để các kỳ thủ của Bà Rịa-Vũng Tàu nâng cao trình độ qua cọ sát với những kỳ thủ hàng đầu trong nước. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, kích cầu du lịch trên địa bàn huyện Xuyên Mộc và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Giải vô địch Cờ Vua quốc gia năm 2023 diễn ra đến ngày 11/3.

Tin, ảnh: Huỳnh Sơn (TTXVN)

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618