TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ - KHAI MỞ TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TƯ DUY - RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH - Hotline: 090 264 1618

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

Từ bàn cờ đến cuộc sống: Cách cờ vua giúp trẻ em dám chấp nhận rủi ro

 Nghiên cứu mới của ĐH Monash và ĐH Deakin chỉ ra rằng, những đứa trẻ được dạy chơi cờ vua và chơi một cách thường xuyên thường ít tránh né rủi ro hơn các bạn cùng trang lứa.

Benjamin Franklin, Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ, đã cho rằng, nhiều khả năng tư duy quý giá, hữu ích trong suốt cuộc đời có thể được tiếp nhận và củng cố bằng cách chơi cờ vua. Theo ông, bằng cách cân nhắc kết quả trước khi đi cờ và không thực hiện nước cờ quá vội vàng, người chơi sẽ học được các kỹ năng quan trọng như tầm nhìn xa và sự thận trọng trong cuộc sống.

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Monash và Đại học Deakin đã thử nghiệm lý thuyết này ở các học sinh tiểu học và nhận thấy rằng, những em học cờ vua thường xuyên và chơi cờ liên tục trong thời gian dài sẽ có xu hướng ít sợ rủi ro hơn so với các bạn cùng tuổi. 


Từ bàn cờ đến cuộc sống: Cách cờ vua giúp trẻ em dám chấp nhận rủi ro - Ảnh 1.

Kết quả của cuộc nghiên cứu cũng cho thấy cờ vua có thể giúp trẻ em tăng cường kỹ năng số học và tư duy logic.

Trong quá trình nghiên cứu, một thí nghiệm đã được tiến hành để xem xét tác động của các bài học cờ vua chuyên sâu với hơn 400 học sinh lớp 5 chưa từng chơi cờ. Các em học sinh sẽ tham gia một chương trình cờ vua 30 giờ, kéo dài 3 tuần do Liên đoàn Cờ vua Thế giới tài trợ. Sau khi khóa đào tạo kết thúc, các em sẽ được đánh giá về sự thay đổi trong hành vi, bao gồm kỹ năng quản lý rủi ro, quản lý thời gian và khả năng tập trung, trong xuyên suốt gần 1 năm.

Kết quả đã cho thấy rằng, chơi cờ vua có thể làm giảm sự sợ hãi rủi ro ở trẻ em. Qua các cuộc chơi, cờ vua giúp trẻ tiếp xúc với việc thi đấu mang tính thắng thua và cạnh tranh cao, cũng như dạy cho trẻ em những lợi ích của việc chấp nhận rủi ro có chiến lược.

Nghiên cứu được dẫn dắt bởi Giáo sư Asad Islam (Giám đốc của Trung tâm Kinh tế Phát triển và Bền vững, Đại học Monash), được Tiến sĩ Wang Sheng Lee (Nghiên cứu viên của Trung tâm Kinh tế Phát triển và Bền vững, Đại học Monash) và Tiến sĩ Aaron Nicholas (Giảng viên cấp cao Khoa Kinh tế, Trường Đại học Deakin) hỗ trợ.

Giáo sư Islam cho biết, cờ vua giúp xây dựng và nuôi dưỡng tinh thần chấp nhận rủi ro ở trẻ em, giúp các em chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. 

"Trong cờ vua, người chơi phải hy sinh quân tốt, quân mã và quân tượng để chiếu tướng và giành chiến thắng. Những sự hy sinh như vậy vốn rất rủi ro, vì nếu tính toán sai, nó có thể dẫn đến việc thua cuộc nhanh chóng.

Trẻ em cần biết cách chấp nhận rủi ro và biết cách tính toán hậu quả của rủi ro. E ngại mạo hiểm một cách quá mức sẽ khiến các em không dám tham gia vào nhiều hoạt động trong cuộc sống, ví dụ như đi bơi, đi chơi ở công viên hoặc tham gia các môn thể thao. Khi lớn lên, điều này sẽ kéo dài và gây ảnh hưởng đến các hành vi ở tuổi vị thành niên như sử dụng chất kích thích, hút thuốc, trốn học,...

Trong nhiều tình huống, đôi lúc ta phải chấp nhận rủi ro lớn để nhận được phần thưởng lớn. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc chấp nhận rủi ro có tính toán và liều lĩnh quá mức đôi khi rất khó xác định. Việc học cờ vua có thể giúp người chơi thu hẹp khoảng cách đó ", giáo sư Islam cho hay.

Nhiều quốc gia đã đưa cờ vua thành môn học

Hiện nay, hai quốc gia châu Âu - Armenia và Ba Lan - đã đưa cờ vua trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy tiểu học. Ấn Độ cũng đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa cờ vua vào chương trình giảng dạy ở trường học. Tại Ấn Độ hiện có khoảng 17 triệu trẻ em tham gia vào chương trình trên toàn quốc, đặc biệt là ở các bang Gujarat và Tamil Nadu, nơi cờ vua là một phần của chương trình giảng dạy.

"Cờ vua có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm đến việc tìm kiếm các chương trình cung cấp giúp phát triển các kỹ năng sống quan trọng ở trẻ em, chẳng hạn như nhận thức và đánh giá tốt về khái niệm rủi ro, trong những năm đầu đời của trẻ", Tiến sĩ Lee nói. 

"Cờ vua còn có thể giúp trẻ em xây dựng các kỹ năng logic và số học quan trọng. Nó có thể thúc đẩy trẻ em trở thành những người sẵn sàng giải quyết vấn đề, có thể dành hàng giờ đắm mình trong tư duy logic", ông nói thêm.

Mỗi ngày đều có hàng triệu người chơi cờ vua khắp thế giới. Trong thời gian gần đây, cờ vua đã trở nên rất phổ biến thông qua bộ phim truyền hình ăn khách "The Queen’s Gambit".

                                                                                                          Nguồn: VTV.VN

Cờ vua Việt Nam: Ưu tiên đầu tư cho kỳ thủ trẻ

 Những năm gần đây, cờ vua Việt Nam đã gặt hái không ít thành công tại các đấu trường quốc tế, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ. Song, để phát triển bền vững cũng như chinh phục được những mục tiêu cao hơn, công tác đào tạo các kỳ thủ trẻ cần được ưu tiên, tiếp sức từ nhiều nguồn.

Tổ chức các giải cờ vua trẻ là cơ hội tốt rèn luyện bản lĩnh thi đấu cho các kỳ thủ.

Không thiếu tài năng

Tại Giải cờ nhanh các nhóm tuổi trẻ thế giới năm 2021 (World Cup FIDE 2021) vào tháng 8 vừa qua, cờ vua trẻ Việt Nam đã có 4 kỳ thủ vào đến bán kết. Giải năm nay do Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) phối hợp cùng Liên đoàn Cờ bang Georgia (Mỹ) tổ chức, bằng hình thức thi đấu trực tuyến (online). Kết quả, kỳ thủ Nguyễn Hồng Nhung của đội tuyển Việt Nam giành được 1 Huy chương vàng nội dung U16 nữ; kỳ thủ Vũ Bùi Thị Thanh Vân giành được 1 Huy chương bạc nội dung U16 nữ và kỳ thủ Đầu Khương Duy giành được 1 Huy chương đồng nội dung U10 nam.

Tổng Thư ký Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Thị Anh Thư cho biết, thành tích mà cờ vua Việt Nam giành được tại World Cup FIDE 2021 cho thấy, tài năng cờ vua Việt Nam không thiếu. Phong trào cờ vua lứa tuổi trẻ của Việt Nam rất phát triển. Giải vô địch trẻ quốc gia nhiều năm liên tiếp có hơn 1.000 vận động viên tham dự. Trong đó có không ít những tài năng từng đoạt huy chương quốc tế, như: Nguyễn Lê Cẩm Hiền (13 tuổi), Nguyễn Thiên Ngân (15 tuổi), Bạch Ngọc Thùy Dương (17 tuổi), Nguyễn Thái Sơn (11 tuổi), Hoàng Minh Hiếu (13 tuổi), Đầu Khương Duy (9 tuổi)...

“Hệ thống các giải đấu phong trào phát triển rất mạnh từ trong các trường học, câu lạc bộ đến các địa phương. Nhiều giải đấu trẻ do các tỉnh, thành phố tổ chức thu hút số lượng lớn vận động viên tham gia, không thua kém giải quốc gia. Từ đó giúp phát hiện được nhiều tài năng trẻ cho đội tuyển cờ vua Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Anh Thư cho hay.

Song, theo Phụ trách bộ môn Cờ (Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Minh Thắng, mặc dù có nhiều kỳ thủ tham gia thi đấu ở các giải cờ vua trẻ, nhưng ít tài năng trẻ lựa chọn con đường thi đấu đỉnh cao. Hầu hết các vận động viên đều tập trung cho việc học văn hóa, chưa xác định theo chuyên nghiệp. Hơn nữa, để phát triển đến đỉnh cao, vận động viên cần có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ. "Nếu được đầu tư, cờ vua Việt Nam không khó tìm được người kế cận Lê Quang Liêm, thậm chí còn xuất sắc hơn", ông Nguyễn Minh Thắng nhận định.

Còn đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Ngọc Trường Sơn cho rằng, các kỳ thủ Việt Nam hầu hết dựa vào năng khiếu, trong khi vận động viên nước ngoài đều được đào tạo bài bản. “Năng khiếu chỉ là một phần, bởi về lâu dài các kỳ thủ Việt Nam rất dễ bị tụt lại phía sau, do thiếu điều kiện thi đấu quốc tế”, kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn bày tỏ.

Tìm kiếm các nguồn tài trợ

Đa số các tài năng trẻ hiện nay đều không được định hướng phát triển từ sớm, không được tài trợ, đầu tư thi đấu cọ xát nhiều để tích lũy kinh nghiệm và hệ số Elo quốc tế. Theo Trưởng bộ môn Cờ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) Đặng Vũ Dũng, nhằm giữ chân các kỳ thủ gắn bó với con đường thi đấu chuyên nghiệp, bộ môn thường phải phối hợp với các gia đình động viên, tạo điều kiện để vận động viên trẻ được đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Bộ môn cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn kinh phí tổ chức các giải đấu, thu hút các nhà tài trợ cho vận động viên.

Ở góc độ chuyên môn, huấn luyện viên đội cờ vua Hà Nội Bùi Vinh cho biết: “Tại Hà Nội, khi chưa có điều kiện để đầu tư nhiều cho vận động viên trẻ, nhằm tạo động lực cho các em tập luyện, thi đấu đỉnh cao, Ban huấn luyện luôn khuyến khích các vận động viên hàng đầu kèm cặp các kỳ thủ trẻ. Ngoài ra, Ban huấn luyện cũng tạo cơ hội để các em có thể làm công tác huấn luyện bên ngoài, từ đó yên tâm cống hiến cho bộ môn cờ vua”.

Còn theo đại kiện tướng quốc tế Nguyễn Văn Huy (Hà Nội), các kỳ thủ giàu kinh nghiệm luôn xác định rõ trách nhiệm đóng góp cho làng cờ vua Việt Nam cũng như của Thủ đô, giúp thế hệ kế cận phát triển theo hướng bài bản. "Chúng tôi luôn dành thời gian hỗ trợ vận động viên trẻ tập luyện, rèn luyện bản lĩnh thi đấu", kỳ thủ Nguyễn Văn Huy khẳng định.

Liên quan đến vấn đề này, Phụ trách bộ môn Cờ (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Nguyễn Minh Thắng cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp với Liên đoàn Cờ Việt Nam tìm kiếm các nguồn tài chính để tổ chức thêm nhiều giải đấu trong nước cũng như đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. “Hy vọng, các kỳ thủ trẻ xác định rõ con đường chuyên nghiệp của mình để cờ vua Việt Nam có thêm những vận động viên vươn tới đỉnh cao thế giới như Lê Quang Liêm”, ông Nguyễn Minh Thắng nhấn mạnh.

                                                                                                                       Ngân Hà

 


Đại kiện tướng Lê Quang Liêm tụt 1 bậc trên bảng xếp hạng thế giới

 Trên bảng xếp hạng tháng 10 của Liên đoàn Cờ vua quốc tế (FIDE), Đại kiện tướng cờ vua của Việt Nam Lê Quang Liêm đã tụt 1 bậc, rớt ra ngoài tốp 30 kỳ thủ mạnh nhất thế giới.

Lê Quang Liêm

Tại bảng xếp hạng công bố ngày 1-10, Lê Quang Liêm vẫn giữ nguyên hệ số elo là 2709 nhưng lại tụt 1 bậc so với tháng trước, qua đó xếp vị trí 31. Trong tháng 9, Lê Quang Liêm đứng ở vị trí 30. Đại kiện tướng người TP.HCM là một trong những niềm hy vọng huy chương cho thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 và Asian Games 19-2022.

Lê Quang Liêm hiện vẫn đang ở Mỹ. Ngoài công việc chuyên môn, Quang Liêm còn đảm nhiệm vai trò HLV trưởng đội cờ vua Trường đại học Webster. Tới đây, giải cờ Spice Cup mở rộng 2021 của Trường Webster sẽ tranh tài từ ngày 17 tới 22-10 và dự kiến thu hút nhiều kỳ thủ giỏi góp mặt.

Cùng trong bảng xếp hạng mới nhất của FIDE, số 1 thế giới cờ vua nam là đại kiện tướng người Na Uy Magnus Carlsen với hệ số elo 2855. Ở top 10 đại kiện tướng thế giới, khu vực châu Á chỉ có 1 người duy nhất là Liren Ding (Trung Quốc, elo 2799).

A.H (tổng hợp)

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618