TRUNG TÂM CỜ QUỐC TẾ - KHAI MỞ TRÍ TUỆ - PHÁT TRIỂN TƯ DUY - RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH - Hotline: 090 264 1618

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

“Chọn bạn” cho con

“Chọn bạn” cho con
GD&TĐ - Tại phòng chờ khám của bệnh viện, nhiều bà mẹ bế bồng con nhỏ đứng ngồi với vẻ mặt lo lắng và đăm chiêu. Vài người trao đổi với nhau mấy câu cho đỡ trống trải trong khi đợi đến lượt mình. Tôi chú ý hơn đến một người mẹ trẻ đi cùng hai con gái khoảng tuổi lên ba lên năm, vì cô cứ phải chạy theo các con hoài...
Hai cô bé khá hiếu động, lúc nào cũng thích sờ tay vào một vật gì đó trong tầm mắt. Nghịch vòi nước uống, sờ vào nắm cửa, vuốt vuốt cái tay vịn bằng inox gắn dọc theo lối đi… Có vẻ như chúng muốn khám phá bằng hết thì thôi. Còn người mẹ thì vì không muốn con tiếp xúc nhiều với những đồ vật trong bệnh viện nên chốc chốc lại nạt, dọa, rồi thỉnh thoảng phải phếch vào mông hai nàng công chúa tinh nghịch. Ba mẹ con cứ xoay một hồi như vậy cho đến khi người mẹ mệt đừ, chị đành rút điện thoại ra đưa cho chúng nghịch.
Vậy là ổn thỏa. Hai nhóc xúm xít vào màn hình chơi trò gì đó và không quấy nữa. Tôi nhìn ra xung quanh thì thấy những đứa bé khác đều đang “ngoan ngoãn” cả. Những bé còn quá nhỏ thì được mẹ ẵm trên tay, cứ như vậy mà ung dung quan sát khắp lượt khu phòng chờ, những bé nhỉnh hơn một tý thì đang chăm chú vào điện thoại của mẹ, chẳng mè nheo gì cả. Tôi bắt chuyện với người mẹ trẻ kia, hỏi thăm về hai cháu bé. Chị bảo với tôi rằng cực chẳng đã mới để hai con dùng điện thoại di động vì biết là hại cho con, nhưng vì chúng ở không cũng gây đủ chuyện phiền toái, nhất là cứ hay động tay động chân, mất vệ sinh nên đành nhượng bộ theo kiểu này.
Theo như tôi quan sát thì trong cuộc sống hằng ngày có khá nhiều tình huống cha mẹ cần con ngồi yên chứ không riêng gì những thời điểm “hóc búa” như vậy. Nhiều ông bố, bà mẹ cần con ngồi yên cho mẹ “buôn dưa lê” với bạn bè, làm việc nhà, đi shopping, lên Facebook…; ngồi yên cho bố xem chương trình thể thao yêu thích hoặc thậm chí là lướt web, xem video; ngồi yên khi phải di chuyển đường dài bằng ô tô, tàu hỏa… Như vậy, vô hình trung, cha mẹ càng có nhiều nhu cầu hoạt động riêng tư thì khoảng thời gian cho phép con tiếp xúc với điện thoại cũng càng tăng lên, để con không quấy quả làm phiền hoặc gây ồn ào.
Để chơi cùng với con thì có rất nhiều trò hấp dẫn, như chơi tập tầm vông và những trò chơi dân gian khác, đọc truyện cho con nghe, chơi nhập vai theo chuyện kể, tập vẽ bằng bút màu, thi xếp cốc nhanh theo mẫu, thi giải câu đố vui, giải mê cung, chơi cờ vua… và nhiều hoạt động ngoài trời nữa. Rất nhiều niềm vui và sự gắn kết sẽ thêm bền chặt từ những trò chơi chung giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ sắp xếp được nhiều phút giây hạnh phúc như vậy thì quả là không gì có thể tuyệt vời hơn với khoảng trời tuổi thơ của con.
Vậy thì những khi cha mẹ không thể bày trò để chơi cùng con được? Chỉ còn mỗi cách là để con chơi một mình, với “người bạn” của con mà thôi. Và dĩ nhiên, người bạn mà chúng ta chọn cho con không nên là một chiếc điện thoại thông minh iPad, máy tính... như mọi người vẫn quen làm một tý nào! Thử đưa cho con bút chì màu, giấy trắng sẵn có trong chiếc túi của bạn và gợi ý cho bé tự vẽ tranh, vẽ lại những gì bé quan sát hoặc tưởng tượng ra tại thời điểm ấy.
Con bạn cũng có thể ngồi cày cục một khối lập phương rubik trong lúc chờ bạn tập trung giải quyết việc gì đó. Hoặc là trò xếp giấy, cho bé luyện những mẫu bạn đã chơi cùng bé lúc rảnh rỗi cũng là một cách khá thú vị để con trải nghiệm khoảng không gian của riêng mình… Đầy ắp một thế giới sinh động để cho bé thỏa sức khám phá và chìm đắm, say mê. Một chiếc điện thoại di động thông minh ư? Không cần thiết và không thể nào thân thiện bằng đâu!
Trở lại câu chuyện về người phụ nữ trẻ tuổi kia, tôi nghĩ chị đã chào thua hơi sớm rồi. Nhiều khi chỉ vì lý do tiện lợi mà chúng ta bỏ qua những cảnh báo an toàn về sức khỏe và trí tuệ của con, quên mất việc tìm kiếm những khả năng thay thế ưu việt hơn, hoặc đôi khi chúng ta còn bỏ mặc con với những khoảng trống im tiếng cười đùa ngây thơ. Điều đó thật không nên chút nào! Thật sự là cần phải thận trọng hơn trước mỗi lựa chọn dành cho đứa con bé bỏng của mình, bằng tình yêu và cả trách nhiệm, vì hơn ai hết, cha mẹ là lá chắn, là sự bao bọc, che chở vô điều kiện của tuổi thơ con.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng biết điều mà người mẹ kia ái ngại, con trẻ tiếp xúc sớm với sản phẩm công nghệ thì sẽ gặp nhiều hạn chế cho mắt, trí não, khả năng giao tiếp, tư duy, giờ giấc ngủ nghỉ, ăn uống… Nhưng với những trường hợp chẳng đặng đừng như trên thì biết xử trí thế nào đây?
Theo GD&TD 

0 nhận xét:

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618